Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Nguyên nhân gây nên bệnh ung thư thận

Có một số loại ung thư có thể phát triển trong thận. Tập tài liệu này thảo luận về ung thư tế bào thận là loại ung thư thận phổ biến nhất ở người lớn. Ung thư tế bào chuyển tiếp (ung thư biểu mô) liên quan đến bể thận là loại ung thư thận ít gặp hơn. Nó tương tự như ung thư ở bàng quang và thường được điều trị giống ung thư bàng quang. U Wilms, loại ung thư thận phổ biến nhất ở trẻ em, khác với ung thư thận ở người lớn. Dịch vụ thông tin ung thư có thể cung cấp thông tin về ung thư tế bào chuyển tiếp và u Wilms.

Khi ung thư thận phát triển, nó có thể xâm lấn vào các cơ quan ở gần thận, như gan, đại tràng, hoặc tuyến tuỵ. Tế bào ung thư thận có thể tách khỏi khối u ban đầu và lan (di căn) tới các bộ phận khác của cơ thể. Khi ung thư thận lan, tế bào ung thư có thể xuất hiện trong các hạch bạch huyết. Vì vậy, các hạch ở gần thận có thể được nạo vét trong khi phẫu thuật. Nếu bác sĩ giải phẫu  tìm thấy tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết, có thể khi đó ung thư đã lan tới các bộ phận khác trong cơ thể. Ung thư thận có thể lan và tạo ra các u mới, thường gặp nhất là ở xương và phổi. Khối u mới có cùng loại tế bào bất thường và có cùng tên với khối u ban đầu (khối u nguyên phát) ở thận.

Triệu chứng ung thư thận

ở giai đoạn sớm, ung thư thận thường không gây ra dấu hiệu gì rõ ràng hoặc các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, khi u thận phát triển thì  triệu chứng có thể xuất hiện. Những triệu chứng này bao gồm:

Ðái máu. Máu có thể xuất hiện trong nước tiểu hôm nay nhưng hôm sau lại không xuất hiện. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể nhìn thấy máu, hoặc có thể phát hiện thấy đái máu qua xét nghiêm nước tiểu, một xét nghiệm cận lâm sàng được tiến hành trong thăm khám sức khoẻ định kỳ.

Khối u ở vùng thận.

Các triệu chứng ít gặp hơn có thể bao gồm:

. Mệt mỏi

. Chán ăn

. Giảm cân

. Sốt tái đi tái lại

. Ðau ở cạnh lưng không khỏi; và/hoặc

. Cảm thấy mỏi mệt toàn thân.

. Huyết áp cao hoặc thiếu máu cũng có thể là dấu hiệu của ung thư thận; tuy nhiên, những triệu chứng này ít gặp hơn.

Những triệu chứng này có thể do ung thư hoặc các các tình trạng bệnh lý khác ít nghiêm trọng hơn gây ra như nhiễm khuẩn hoặc nang. Chỉ có bác sĩ mới có thể đưa ra chẩn đoán. Những người có các triệu chứng này có thể đến gặp bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ chuyên khoa tiết niệu. Thông thường, ung thư giai đoạn sớm không gây đau; điều quan trọng là không nên chờ cho đến khi thấy đau mới đến khám bác sĩ.

Trong hầu hết các trường hợp, ung thư càng được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng hồi phục hoàn toàn của bệnh nhân càng lớn.

Chẩn đoán ung thư thận

Ðể tìm nguyên nhân gây triệu chứng, bác sĩ cần khai thác tiền sử bệnh sử của bệnh nhân và tiến hành khám lâm sàng. Bên cạnh việc kiểm tra các dấu hiệu về sức khoẻ chung, bác sĩ có thể cho xét nghiệm máu và nước tiểu. Bác sĩ có thể khám kỹ vùng bụng để tìm u cục hoặc các khối bất thường.

Bác sĩ thường chỉ định các thăm dò hình ảnh của thận và các cơ quan lân cận. Những bức tranh này thường có thể cho biết các thay đổi ở thận và mô xung quanh. Ví dụ, chụp hệ tiết niệu có tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch (IVP) là phim chụp X quang thận, niệu quản và bàng quang sau khi tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch. Các hình ảnh chụp được có thể cho thấy những biến đổi về hình dạng của các cơ quan này và các hạch lân cận.

Chụp động mạch là một loạt phim X quang chụp mạch máu. Thuốc cản quang được tiêm vào mạch máu lớn qua một catheter. Phim chụp cho thấy mạng lưới mạch máu nhỏ hơn ở bên trong và xung quanh thận.

Một số thăm dò hình ảnh khác bao gồm chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ và siêu âm có thể cho thấy sự khác biệt giữa các mô bệnh lý và các mô lành.

Nếu kết quả xét nghiệm nghi ngờ ung thư thận thì có thể tiến hành sinh thiết. Sinh thiết là cách duy nhất chắc chắn để chẩn đoán ung thư. Trong khi tiến hành sinh thiết để tìm ung thư thận, bác sĩ chọc một kim nhỏ vào trong khối u và hút ra một mẫu mô. Sau đó, bác sĩ giải phẫu bệnh quan sát mô dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư.

Khi ung thư  thận đã được chẩn đoán, bác sĩ cần biết giai đoạn, hoặc phạm vi của bệnh. Phân giai đoạn là một quá trình thăm dò chi tiết để phát hiện ung thư đã lan chưa, và nếu lan thì lan tới phần nào của cơ thể. Bác sĩ cần phải có thông tin này để lập kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.

Ðể phân giai đoạn ung thư thận, bác sĩ có thể cho chụp bổ sung cộng hưởng từ và chụp X quang các mô và mạch máu ở bên trong và xung quanh thận. Bác sĩ có thể tìm các hạch bị sưng to lên ở trong lồng ngực và ổ bụng qua chụp cắt lớp vi tính. Chụp X.quang lồng ngực thường có thể cho biết ung thư đã di căn vào phổi chưa. Xạ hình xương có thể phát hiện ra các dấu hiệu di căn của ung thư vào xương.

Những người có chỉ định sinh thiết có thể muốn hỏi các bác sỹ một số câu hỏi như:

. Thủ thuật kéo dài bao lâu? Tôi có bị gây mê không? Có đau không?

. Bao giờ tôi có thể biết kết quả?

. Nếu tôi bị ung thư thì ai sẽ nói cho tôi biết về việc điều trị? Khi nào?

Ðiều trị

Ðiều trị ung thư thận phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khoẻ chung và độ tuổi của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

Bệnh nhân ung thư thận thường được điều trị bởi một đội ngũ các chuyên gia, trong đó có bác sĩ chuyên khoa tiết niệu, bác sĩ ung thư, bác sĩ tia xạ ung thư. Ung thư thận thường được điều trị bằng phẫu thuật, liệu pháp tia xạ, liệu pháp sinh học, hoá trị liệu, hay liệu pháp hormon. Ðôi khi, người ta có thể sử dụng một phương pháp điều trị đặc biệt gọi là làm thuyên tắc động mạch. Bác sĩ có thể quyết định lựa chọn sử dụng một phương pháp điều trị hoặc phối hợp nhiều phương pháp.

Một số bệnh nhân tham gia vào thử nghiệm lâm sàng sử dụng các phương pháp điều trị mới. Các thử nghiệm này giúp cải thiện chất lượng và hiệu quả điều trị ung thư.

Lấy ý kiến thứ hai

Trước khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân có thể muốn có ý kiến tham khảo của một bác sĩ giải phẫu bệnh hoặc một bác sỹ chuyên khoa thứ hai để xem lại kết quả chẩn đoán và phác đồ điều trị. Ðiều này không làm ảnh hưởng đến khả năng thành công của điều trị.

Chuẩn bị cho điều trị

Dưới đây là một số câu hỏi mà bệnh nhân có thể muốn hỏi bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị:

. Tôi bị mắc loại ung thư  gì?

. Bệnh của tôi đang ở giai đoạn nào?

. Tôi có các lựa chọn điều trị nào? Bác sĩ giới thiệu cho tôi phương pháp nào? Tại sao?

. Nguy cơ và tác dụng phụ của từng phương pháp điều trị là gì?

. Khả năng thành công của phương pháp điều trị này ra sao?

. Các phương pháp điều trị mới nào đang được nghiên cứu trong thử nghiệm lâm sàng? Liệu thử nghiệm lâm sàng có phù hợp với tôi không?

. Ðiều trị sẽ kéo dài bao lâu?

. Tôi có phải nằm viện không?

. Liệu điều trị có ảnh hưởng tới hoạt động thường ngày của tôi không? Nếu ảnh hưởng thì trong bao lâu?

. Chi phí cho điều trị là khoảng bao nhiêu?

Các phương pháp điều trị

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư thận phổ biến nhất. Phẫu thuật được thực hiện là cắt bỏ thận. Bác sĩ phẫu thuật thường cắt bỏ toàn bộ quả thận cùng với tuyến thượng thận và các mô quanh thận. Một số hạchbạch huyết trong vùng có thể được nạo vét. Ðây là thủ thuật cắt thận triệt để. Trong một số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật chỉ cắt bỏ thận (thủ thuật cắt thận đơn giản). Quả thận còn lại nói chung có thể đảm đương được công việc của cả hai thận. Một số trường hợp khác, bác sỹ phẫu thuật chỉ cắt bỏ một phần quả thận nơi có khối u, gọi là thủ thuật cắt thận bán phần.

Thuyên tắc động mạch đôi khi được thực hiện trước phẫu thuật để có thể tiến hành phẫu thuật dễ dàng hơn. Nó cũng thường được sử dụng để giảm đau hoặc chống chảy máu khi không thể cắt bỏ được khối u. Các miếng xốp nhỏ bằng gelatin đặc biệt hoặc bằng chất liệu khác được tiêm vào cơ thể qua một ống thông để làm tắc các mạch máu chính ở thận. Thủ thuật này làm nhỏ khối u nhờ việc giảm tưới dòng máu mang oxy và các chất khác cần cho khối u phát triển.

Dưới đây là một số câu hỏi mà bệnh nhân có thể muốn hỏi trước khi phẫu thuật:

. Loại phẫu thuật nào sẽ được thực hiện?

. Có cần phải tiếp tục điều trị sau khi phẫu thuật không? Cách điều trị như thế nào?

. Tôi sẽ cảm thấy thế nào sau khi phẫu thuật?

. Nếu tôi bị đau, bác sĩ có thể giúp tôi như thế nào?

. Khi nào tôi có thể bắt đầu lại hoạt động thường ngày của tôi?

Liệu pháp tia xạ sử dụng các tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Ðôi khi, bác sĩ sử dụng liệu pháp này để giảm đau (điều trị triệu chứng) khi ung thư thận đã di căn vào xương.

Người ta điều trị ung thư thận bằng phương pháp chiếu xạ ngoài, với một vật liệu phóng xạ bên ngoài cơ thể và một máy chiếu xạ hướng các tia vào một vùng cụ thể. Bệnh nhân thường được điều trị ngoại trú ở bệnh viện hoặc phòng khám 5 ngày mỗi tuần trong vài tuần. Phác đồ điều trị này giúp bảo vệ các mô lành nhờ sự toả tổng liều phóng xạ ra ngoài. Bệnh nhân không cần nằm viện trong khi tiến hành xạ trị, và bệnh nhân không mang nguồn xạ trong và sau khi điều trị.

Dưới đây là một số câu hỏi mà bệnh nhân có thể muốn hỏi bác sĩ trước khi tiến hành xạ trị:

. Mục đích của phương pháp điều trị này là gì?

. Khi nào thì việc điều trị bắt đầu? Khi nào thì kết thúc?

. Tôi sẽ cảm thấy như thế nào trong thời gian điều trị? Có thể có những tác dụng phụ nào?

. Tôi có thể làm gì để chăm sóc bản thân trong khi điều trị bằng tia phóng xạ?

. Làm cách nào tôi biết được điều trị có hiệu  quả hay không?

. Liệu tôi có thể tiếp tục hoạt động như bình thường trong thời gian điều trị tia phóng xạ hay không?

Phẫu thuật và thuyên tắc động mạch là các phương pháp điều trị tại chỗ. Chúng chỉ ảnh hưởng tới tế bào ung thư trong vùng điều trị. Liệu pháp sinh học, hoá trị liệu, và liệu pháp hormon, được giải thích sau đây, là các phương pháp điều trị toàn thân bởi vì chúng đi vào hệ thống mạch máu và tới các tế bào trong toàn bộ cơ thể.

Liệu pháp sinh học là một dạng điều trị sử dụng khả năng kháng ung thư tự nhiên của cơ thể (hệ thống miễn dịch). Interleukin-2 và interferon là hai loại thuốc sử dụng trong liệu pháp sinh học để điều trị ung thư thận giai đoạn muộn. Các thử nghiệm lâm sàng tiếp tục nghiên cứu các phương pháp tốt hơn để tiến hành liệu pháp sinh học đồng thời có thể giảm được tác dụng phụ. Nhiều bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp sinh học cần nằm viện trong thời gian điều trị để có thể theo dõi được các tác dụng phụ này.

Dưới đây là một số câu hỏi mà bệnh nhân có thể muốn hỏi bác sĩ trước khi bắt đầu tiến hành liệu pháp sinh học:

. Mục đích của phương pháp điều trị này là gì?

. Loại thuốc nào sẽ được sử dụng?

. Liệu điều trị có gây ra tác dụng phụ không? Nếu có thì phải làm gì?

. Liệu tôi có phải nằm viện để điều trị không?

. Khi nào tôi có thể bắt đầu lại hoạt động thường ngày của tôi?

Hoá trị liệu là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Mặc dù có hiệu quả trong điều trị nhiều loại ung thư khác nhưng hoá trị liệu lại tỏ ra hạn chế đối với ung thư thận. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm hiểu các loại thuốc và các phác đồ phối hợp thuốc mới có thể có hiệu quả hơn.

Liệu pháp hormon được sử dụng với một số lượng nhỏ bệnh nhân ung thư thận giai đoạn muộn. Một số trường hợp ung thư thận có thể điều trị bằng hormon để kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư. Thông thường hormon được sử dụng để điều trị triệu chứng.

Dưới đây là một số câu hỏi mà bệnh nhân có thể muốn hỏi bác sĩ trước khi tiến hành điều trị bằng hormon hay hoá chất:

. Mục đích của phương pháp điều trị này là gì?

. Tôi sẽ dùng loại thuốc nào?

. Liệu tôi có tác dụng phụ không? Tôi có thể làm gì để tránh?

. Tôi sẽ phải điều trị trong bao lâu?

Tác dụng phụ của điều trị

Phẫu thuật

Tác dụng phụ của việc điều trị ung thư thận bằng phẫu thuật phụ thuộc chủ yếu vào týp phẫu thuật, tình trạng sức khoẻ chung của bệnh nhân và các yếu tố khác. Cắt bỏ thận là một đại phẫu thuật, và sau khi phẫu thuật hầu hết bệnh nhân bị đau và khó chịu. Bệnh nhân thấy khó hít thở sâu do đau sau mổ; họ có thể phải tập các động tác thở và ho đặc biệt để giữ cho phổi sạch. Bệnh nhân cũng thường cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu trong một thời gian sau mổ.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể phải được nuôi dưỡng và dù dịch qua đường tĩnh mạch trong vài ngày trước và sau mổ. Khi một bên thận bị cắt bỏ, bên thận còn lại sẽ phải thực hiện công việc của cả hai thận. Y tá sẽ phải theo dõi sát lượng dịch được đưa vào cơ thể bệnh nhân và lượng nước tiểu được đào thải. Thời gian hồi phục sau phẫu thuật ở mỗi bệnh  nhân là khác nhau.

Thuyên tắc động mạch

Thuyên tắc động mạch có thể gây đau, sốt, buồn nôn, hoặc nôn mửa. Thông thường bệnh nhân cần được truyền dịch qua tĩnh mạch khi cơ thể hồi phục sau thủ thuật này.

Liệu pháp chiếu xạ

Với liệu pháp chiếu xạ, tác dụng phụ phụ thuộc chủ yếu vào liều chiếu và bộ phận được điều trị. Bệnh nhân có thể rất mệt mỏi, đặc biệt là vào những tuần điều trị cuối. Nghỉ ngơi là rất quan trọng, nhưng bác sĩ thường khuyên bệnh  nhân cố gắng vận động khi có thể.

Da ở vùng được chiếu xạ thường bị đỏ, khô, nhạy cảm đau và ngứa hoặc có thể bị đen hoặc như bị cháy nắng vĩnh viễn. Xạ trị thận và các cơ quan lân cận có thể gây buồn nôn, nôn mửa, ỉa lỏng và đái buốt. Nó còn có thể gây giảm bạch cầu là loại tế bào giúp cơ thể chống lại nhiễm khuẩn. Tập thông tin Liệu pháp phóng xạ và bạn có các thông tin hữu ích về xạ trị và cách sử trí các tác dụng phụ của nó.

Liệu pháp sinh học

Tác dụng phụ do liệu pháp sinh học gây ra thay đổi tuỳ theo từng týp điều trị. Những phương pháp điều trị này có thể gây các triệu chứng giống cảm cúm như rét run, sốt, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, và ỉa lỏng. Bệnh nhân thường cảm thấy rất mệt mỏi sau khi điều trị, và họ có thể dễ bị chảy máu và bầm tím. Một số bệnh nhân còn có thể phát ban ngoài da. Bên cạnh đó, interleukin có thể gây phù và làm ảnh hưởng tới chức năng bình thường của thận và gan. Những vấn đề này có thể trầm trọng, nhưng chúng sẽ mất đi khi ngừng điều trị.

Hoá trị liệu

Tác dụng phụ của hoá trị liệu phụ thuộc vào loại thuốc điều trị. Nói chung, thuốc chống ung thư tác động tới các tế bào phân chia nhanh, như tế bào máu, tế bào lót niêm mạc ống tiêu hoá, và tế bào ở nang tóc. Kết quả là, bệnh nhân có thể có các tác dụng phụ như giảm khả năng chống nhiễm khuẩn, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, hoặc đau miệng. Họ có thể có ít năng lượng hơn và bị rụng tóc.

Liệu pháp hormon

Tác dụng phụ của liệu pháp hormon thường nhẹ. Progesterone là loại hormon thường được sử dụng nhất để điều trị ung thư thận. Các thuốc chứa progesterone có thể gây ra những thay đổi về cảm giác ngon miệng và trọng lượng. Chúng còn có thể gây phù hoặc giữ nước. Các tác dụng phụ này thường mất đi khi điều trị kết thúc.

Theo dõi

Việc theo dõi định kỳ của bác sĩ sau khi điều trị ung thư thận là rất quan trọng. Bác sĩ sẽ đề xuất một chương trình khám theo dõi phù hợp bao gồm khám lâm sàng, chụp X quang lồng ngực, và các xét nghiệm cận lâm sàng. Ðôi khi bác sĩ chỉ định làm xạ hình và các xét nghiệm khác. Bệnh nhân cần phải tiếp tục khám theo dõi và thông báo sớm tất cả các vấn đề bất thường ngay khi chúng xuất hiện.

Triển vọng trong tương lai

Triển vọng của bệnh nhân ung thư thận giai đoạn sớm là rất tốt. Ung thư thận thường được chữa khỏi nếu nó được phát hiện và chữa trị trước khi có di căn. Nhiều nhà nghiên cứu đang tìm các biện pháp tốt hơn để phát hiện ung thư thận giai đoạn sớm. Họ cũng đang tìm kiếm các biện pháp hiệu quả hơn để điều trị ung thư thận giai đoạn muộn.

Các nguyên nhân có thể gây bệnh và cách phòng chống

Các nhà khoa học tại các bệnh viện và trung tâm y tế trên cả nước đang nghiên cứu về ung thư thận. Họ đang tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh và cách phòng chống. Hiện nay, các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ung thư thận, và hiếm khi họ giải thích được tại sao người này bị ung thư thận nhưng người khác lại không mắc. Tuy nhiên, rõ ràng căn bệnh này không phải là bệnh truyền nhiễm; không ai bị lây ung thư  thận từ một người khác.

Các nhà nghiên cứu tìm hiểu các dạng ung thư trong cộng đồng để tìm những yếu tố thường gặp ở những người bị ung thư thận nhiều hơn so với những người không bị bệnh để qua đó tìm ra các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Ðiều quan trọng cần biết là hầu hết những người có các yếu tố nguy cơ này lại không bị ung thư, và những người bị ung thư có thể không có một yếu tố nào trong số các yếu tố này.

Giống như hầu hết các loại ung thư khác, các nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư thận tăng lên theo độ tuổi. Bệnh thường xuất hiện nhất là trong độ tuổi 50-70. Nó sảy ra ở nam giới nhiều gấp đôi nữ giới. Bên cạnh đó, ung thư thận có vẻ thường gặp hơn ở người Mĩ gốc Phi so với người Mĩ da trắng. Các yếu tố nguy cơ khác của ung thư thận là:

. Sử dụng thuốc lá: Theo kết quả nghiên cứu, những người hút thuốc có nguy cơ phát triển ung thư thận cao gấp đôi những người không hút thuốc. Bên cạnh đó, thời gian sử dụng thuốc càng dài thì nguy cơ càng cao. Tuy nhiên, nguy cơ mắc ung thư thận giảm xuống khi bỏ hút thuốc.

. Béo phì: Béo phì có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thận. Trong một số nghiên cứu, béo phì đi kèm tăng nguy cơ ung thư ở phụ nữ. Một nghiên cứu khác đề xuất thừa cân cũng là một yếu tố nguy cơ cả ở nam giới. Nguyên nhân của mối liên quan này còn chưa được xác định rõ.

. Sự phơi nhiễm trong nghề nghiệp: Một số nghiên cứu đã kiểm tra các phơi nhiễm trong nghề nghiệp để xem chúng có làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thận ở công nhân hay không. Ví dụ, các nghiên cứu chỉ ra công nhân lò than cốc trong nhà máy thép có tỉ lệ mắc ung thư thận cao hơn bình thường. Bên cạnh đó, có một số bằng chứng cho thấy amian ở nơi làm việc, một chất có liên quan tới ung thư phổi và ung thư trung mô (là lớp màng bao phủ các tạng bên trong của cơ thể), cũng làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư thận.

· Tia xạ: Những phụ nữ đã được chiếu xạ để điều trị các rối loạn ở tử cung có thể có nguy cơ phát triển ung thư thận tăng nhẹ. Hơn nữa, những người đã phơi nhiễm với thorotrast (thorium dioxide), một chất phóng xạ được sử dụng vào những năm 20 cùng với việc chụp X quang để chẩn đoán, có tỉ lệ mắc ung thư thận tăng lên. Tuy nhiên, chất này hiện không còn được sử dụng, và các nhà khoa học cho rằng chiếu xạ chỉ gây ra một phần trăm rất nhỏ trong tổng số các trường hợp ung thư thận.

·  Phenacetin: Một số người đã bị ung thư thận sau một thời gian dài sử dụng loại thuốc này với liều cao. Loại thuốc giảm đau này hiện không còn được sử dụng ở Mĩ.

·  Lọc máu: Những bệnh nhân được lọc máu để điều trị suy thận mạn tính trong nhiều năm có nguy cơ phát triển nang thận và ung thư thận tăng. Cần tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu thêm về tác dụng lâu dài của việc lọc máu đối với các bệnh  nhân bị suy thận.

· Bệnh Von Hippel-Lindau (VHL): Các nhà nghiên cứu đã phát  hiện ra những người có căn bệnh di truyền này có nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào thận cũng như khối u ở các bộ phận khác cao hơn. Các nhà nghiên cứu đã phát tìm ra một loại gen gây bệnh VHL, và họ tin rằng việc phân lập được gen này có thể giúp cải thiện các phương pháp chẩn đoán, điều trị và thậm chí phòng ngừa một số loại ung thư thận.

Những người cho rằng họ có nguy cơ phát triển ung thư thận nên thảo luận với bác sĩ của họ. Bác sĩ có thể gợi ý các cách để làm giảm nguy cơ và giúp lập kế hoặch khám theo dõi phù hợp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét